Click to listen highlighted text!

Bạch Thái Bưởi và doanh nhân Việt Nam

Đang đọc chương đầu quyển sách “Bạch Thái Bưởi – Khẳng định doanh tài nước Việt” thì một người bạn nhắn tin chúc mừng nhân ngày 13/10. Giật mình chẳng hiểu ngày gì, nghĩ một lúc mới biết là ngày Doanh nhân Việt Nam. Đúng lúc đang đọc đến đoạn định nghĩa thế nào là doanh nhân, nghiệm lại thì mình chưa đủ tiêu chuẩn, mình chỉ đi kiếm tiền, cũng chưa có sản phẩm dịch vụ gì, chưa có đóng góp gì cho xã hội cộng đồng, chưa giúp được gì cho mọi người xung quanh, cũng chưa có sáng tạo hay tạo ra giá trị gia tăng gì gọi là đáng kể cho khách hàng đối tác. Mà kiếm tiền còn chưa xong thì nói gì đến đóng góp, nghĩ cũng hơi hơi xấu hổ.

Đọc sách, cũng hồ hởi tự sướng và vớt vát đôi phần với nhận định rằng ông tổ doanh nhân Việt ta là Chử Đồng Tử, một người Việt xịn chứ không phải dân nhập cư ngoại bang. Chử Đồng Tử và Tiên Dung, do vua cha là Hùng Vương 18 phản đối hôn nhân, đã mở chợ buôn bán giúp một vùng phồn thịnh. Rồi học hỏi vượt biển tìm đường giao thương hàng hóa với lân bang.

Người Việt với khả năng thông thạo sông nước, tài nguyên trù phú đã quan tâm đến buôn bán giao thương từ sớm, những năm 200-300 TCN. Thế rồi, nho giáo Trung Quốc bắt đầu truyền vào VN, từ đầu công nguyên và đến thế kỷ thứ 10 thì đã thấm sâu vào văn hóa và tín ngưỡng của hệ thống phong kiến Việt Nam. Theo đó thì thương nhân được coi là nghề thấp kém với nhiều gian manh xảo quyệt lừa lọc, là nghề xếp cuối cùng của Sĩ-Nông-Công-Thương.

Tư tưởng này kéo dài đến tận đầu thế kỷ thứ 19 khi mà cuộc cách mạng duy tân, học tập “Tân Thư” của các nhà văn hóa như Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Vậy nhưng phải đến tận những năm 2000 thì Doanh Nhân mới được xã hội thực sự coi trọng, mới được nhìn nhận là những người đóng góp quan trọng hàng đầu cho phát triển kinh tế xã hội. Một trong những dấu mốc cụ thể là năm 2004, Thủ tướng CP VN đã ra quyết định lấy ngày 13-10 là Ngày doanh nhân Việt Nam hàng năm. 

Rõ ràng việc  giao thương buôn bán không chỉ giúp trao đổi hàng hóa mà còn giúp giao thoa văn hóa, tôn giáo, đẩy mạnh trao đổi kỹ năng quản lý tổ chức, giúp tăng cường chia sẻ kiến thức, nâng cao khoa học kỹ  thuật, công nghệ… ở nhiều cấp độ khác nhau. Nói như các cụ là đi một ngày đàng học một sàng khôn, quả không sai. Nếu chỉ ngồi một chỗ thì dù cho có trí thông minh vượt trội hơn người thì một dân tộc ít ỏi cũng không thể nào vươn lên mặt bằng của thế giới rộng lớn với sự giao thoa sâu rộng của các nền văn minh lâu đời.

Gần 2000 năm, mà chính xác hơn là khoảng 1000 năm phong kiến, việc buôn bán không được coi trọng do tư tưởng nho giáo nói trên đã tước đi của VN rất nhiều cơ hội. Trong khi đó Trung Quốc, cái nôi của nho giáo, lại có văn hóa buôn bán phát triển rất mạnh mẽ. Con đường tơ lụa trên đất liền nổi tiếng kết nối Trung Hoa với các nước Tây Á rồi sang cả La Mã và Châu Âu có từ đầu Công nguyên, rực rỡ nhất vào thế kỷ thứ 7, 8 (giai đoạn sau là thế kỷ 12, 13 trước khi suy tàn ở thế kỷ 14) đã không chỉ thúc đẩy giao thương mà còn phát triển khoa học kỹ thuật, giao lưu văn hóa tôn giáo. Cùng lúc đó, thế kỷ thứ 9 đã hình thành con đường tơ lụa trên biển nối từ Trung Quốc, Nhật Bản với Đông Nam Á qua eo biển Malacca đến với Ấn Độ, Ai Cập, kênh buôn bán trên biển này có phần nhộn nhịp và sôi động hơn cho đến tận cuối của chế độ phong kiến thế giới. 

Vậy lý do là gì khi có cùng nền phong kiến văn hóa nho giáo, nhưng buôn bán ở VN không được coi trọng phát triển trong khi Trung Hoa lại phát triển được một văn hóa kinh doanh buôn bán rực rỡ có ảnh hưởng tới toàn thế giới như vậy?

Có phải (thuyết âm mưu) nho giáo khi truyền sang VN đã đưa thêm những ý đồ nhằm hạn chế sự phát triển? Hay do VN bị chiến tranh liên miên? Hay do văn hóa người VN thụ động, giáo điều? Giải thích triệt để chắc cần phải có các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa kinh tế vào cuộc.

Theo góc nhìn cá nhân của người viết thì có lẽ là do người Việt ít đi. Các nền văn minh phát triển hay các dân tộc thành công đều có nhiều phượt thủ can trường ngang dọc khắp năm châu bốn biển. 

Người Do Thái đi phượt từ hơn 2000 năm, lang bạt và buôn bán khắp Âu Mỹ, học tập những tinh hoa tiến bộ của nhân loại. Theo thống kê (tại Wiki) thì đã có 193 người Do Thái đoạt giải Nobel, chiếm tổng số 22% giải thưởng Nobel, mặc dù tổng dân số của người Do thái chỉ chiếm 0.2 % so với tổng dân số nhân loại. Người Châu Âu, như Anh/Pháp/Tây Ba Nha/Ý khai phá ra châu Mỹ, châu Úc, chinh phạt Châu Á, Châu Phi. Người Trung Quốc/Nhật Bản, như đã biết, chinh phạt khắp Á-Âu, buôn bán khắp các quốc gia trên thế giới.

Câu hỏi tiếp theo: vậy tại sao người Việt lại ít đi?. Hãy thử chiêm nghiệm, con người sẽ tìm cách đi ra bên ngoài thường với 2 lý do: một là nơi họ sinh sống có điều kiện khó khăn khắc nghiệt hay chiến tranh kéo dài, liên miên; hai là cuộc sống quá đủ đầy văn hóa phát triển đến ngưỡng giới hạn và những cá nhân ưu tú muốn đi tìm những điều mới lạ, muốn khai phá những vùng đất mới, hoặc truyền bá tư tưởng văn hóa của mình sang các dân tộc khác, hoặc là muốn thể hiện sự thống trị của đế quốc mở rộng chiếm lĩnh các các thuộc địa, chiếm lĩnh của ngon vật lạ.

Việt Nam có nền văn hóa lịch sử hơn 4000 năm, nhưng thực tế phát triển và hình thành các vùng dân cư ổn định có tổ chức (quy mô nhỏ) chắc khoảng 300 năm TCN. Khu vực đồng bằng Sông Hồng trù phú rộng lớn nhưng chưa đủ để phát triển rực rỡ với hệ thống vùng trung du và vùng núi cao hiểm trở bao quanh. Sau đó là 1000 năm bị TQ đô hộ tìm cách đồng hóa. 1000 năm tiếp theo dù đã giành được nền phong kiến độc lập nhất định nhưng thường xuyên có chiến tranh với phương Bắc, phía Nam cũng thường xuyên có xung đột với những quốc gia mà sự phát triển có lẽ không thua kém nhiều.

Như vậy chủ quan người viết cho rằng VN ta có bề dày lịch sử ở mức trung bình so với các nền văn hóa khác trên thế giới (La Mã (550 SCN- 465 SCN;  Ba Tư (550 TCN – 331 TCN);) nhưng do các điều kiện về địa lý, địa chính trị (gần văn minh Trung Hoa (1600 TCN – 1046 TCN), chiến tranh xung đột, và đâu đó một phần văn hóa con người thụ động… nên chưa thể phát triển lên mức đủ lớn, đủ rực rỡ có thể đi khai phá phát triển ra bên ngoài. Giai đoạn đầu thế kỷ 18 đã manh nha cơ hội có thể thành một thế lực nhưng ngay sau đó đã bị Pháp bắt đầu chiếm đóng làm thuộc địa.

Quay lại câu chuyện cụ Bạch Thái Bưởi, cụ là người đi nhiều và đọc và học nhiều. Trước cả phong trào cử người sang Nhật học tập – Đông Du (1904) , thì Cụ Bạch đã từng Tây Du. Năm 1895 cụ từng sang Pháp, được tiếp xúc với văn minh và khoa học phương Tây, mặc dù vô cùng nể phục nhưng trong cụ cũng hình thành lên một tư tưởng và quyết tâm “Người Tây làm được tại sao người An Nam ta không làm được?”. Tranh thủ thời gian ở Pháp, cụ đã tiếp thu, học tập tư tưởng văn hóa và kiến thức của họ để chuẩn bị cho một kế hoạch khởi nghiệp lớn lao sau này. Được coi là một trong bốn người VN giàu có nhất đầu thế kỷ 20, nhưng ở cụ có sự khác biệt đó là tinh thần tự tôn dân tộc, không nể sợ thực dân Pháp hay các thương nhân Hoa kiều giàu có và nhiều quyền lực ngầm, luôn tôn trọng chữ tín trong kinh doanh, chú trọng xây dựng thương hiệu của một doanh nghiệp Việt, sẵn lòng ủng hộ người khó khăn, học sinh nghèo, tham gia và ủng hộ các phong trào văn hóa yêu nước.

Đọc sách có một câu chuyện thú vị đó là khi bị thương nhân Hoa kiều chèn ép dùng thủ đoạn thuê người phóng uế bẩn vào bến thuyền để hành khách sợ mà bỏ đi. Cụ đã thuê lại chính người dân ở làng có người phóng uế để dọn dẹp. Khi cạnh tranh đến cao điểm các bên liên tục hạ giá, cụ đã nhờ các văn nhân thi sĩ làm thơ vần kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Trong đó có thi nhân Nguyễn Khắc Hiếu – Tản Đà, lúc đó mới hơn 20 tuổi vừa thi trượt lại thất tình thì được cụ Bạch mời đến kết bạn hàn huyên. Đây cũng là giai đoạn Tản Đà tiếp xúc với Tân thư, góp phần hình thành nên bản lĩnh một thi nhân nổi tiếng về sau.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng
Cô kia má đỏ hồng hồng
Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan
Đường đi hiểm trở gian nan
Tàu "Bạch Thái Bưởi" dọn đàng rước dâu
Dù cho nước lũ sông sâu
Ai về Nam Định rủ nhau cùng về

Hãy đọc sách để hiểu và tự hào hơn về một doanh nhân tài ba, một “Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà” 

Lúc đầu nghĩ thấy xấu hổ khi được chúc mừng ngày doanh nhân mà chưa phải là doanh nhân. Nhưng nghĩ lại thì ít ra mình đã tự kiếm tiền làm giàu cho bản thân một cách tử tế. Thế cũng là giúp cho xã hội bớt một người nghèo. Nếu muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội thì chí ít mỗi người cũng phải có những tích lũy cơ bản, làm giàu cho mình, là người tử tế khắc đến lúc sẽ có ích cho đời. 

Có cái cũng không nên học cụ. Cụ mất do nhồi máu cơ tim, chắc do nghiện thuốc lào nặng. Bệnh đó bây giờ cho vào viện đặt cái ti ô là khỏi ngay, tiếc là ngày đó chưa biết cách. Vậy nên phải dành thời gian nghỉ ngơi, thể dục thể thao, như chạy bộ hay yoga rất tốt cho tim mạch, máu nữa thì chơi 3 môn phối hợp. Cũng nên thi thoảng kết nối chém gió với bạn bè chát chít linh tinh cho giảm stress, be-lần-guốc-lai mà.

18/10/2021

******************

Tham khảo:

Sách: Bạch Thái Bưởi khẳng định doanh tài nước Việt

https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A1ch_Th%C3%A1i_B%C6%B0%E1%BB%9Fi

https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_B%E1%BB%99i_Ch%C3%A2u

https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Ch%C3%A2u_Trinh

https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Do_Th%C3%A1i_%C4%91o%E1%BA%A1t_gi%E1%BA%A3i_Nobel

TOP 10 Nền Văn Minh Lớn Của Thế Giới

http://vusta.vn/chitiet/tin-tuyen-sinh-dao-tao/Anh-huong-cua-Tan-thu-trong-tu-tuong-Phan-Boi-Chau-va-Phan-Chu-Trinh-1011

https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ngay-nay-nam-xua/ngay-nay-nam-xua-vi-sao-13-10-la-ngay-doanh-nhan-viet-nam-673860

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]

Leave a Comment

Click to listen highlighted text!