Click to listen highlighted text!

HAI NGƯỜI BẠN

Đang ngồi trầm ngâm chợt Hưng nghe vợ bảo:

-Chẳng hiểu thế nào mà mấy cái thảm chùi chân nhà mình hôm nay hôi quá. Cứ như mùi ổ chó ấy.

-Chắc tại chân ướt chùi lên gặp trời ẩm nên nó bốc mùi. Giặt đi là lại thơm ngay ấy mà. Hắn thủng thẳng đáp.

Lúc nãy Hưng cũng đã thoáng ngửi thấy mùi đó rồi nhưng hắn chẳng thấy khó chịu. Trái lại, nó làm cho hắn bâng khuâng nhớ về một thời xưa cũ.

******

Chẳng biết từ khi nào, chỉ biết rằng Hưng còn rất nhỏ, một hôm bố đem về một chú cún con màu đen tuyền kháu khỉnh. Bố bảo:

-Của nhà chú Hồng cùng cơ quan cho. Nhà chú có một đàn tận năm con cơ. Chó lai đấy!

Mấy anh em hắn xúm vào vuốt ve chú chó và xuýt xoa sung sướng. Anh Hoài vật chú chó ngửa ra và thốt lên:

-Ha ha, chó đực, chó đực.

Anh Huyên lớn nhất bảo:

-Mày vật nó nhẹ nhẹ thôi không có dập hết lông sữa bây giờ.

Từ đó mấy anh em suốt ngày chơi cũng cún con. Lúc thì dạy bắt tay, lúc thì chơi đuổi bắt. Cún cũng hăng hái tham gia các trò.

Vì Hưng là nhỏ nhất nên mỗi khi tranh giành cún thì đều được các anh nhường. Hưng thường xuyên chơi đùa, ôm ấp, hôn hít, thậm chí cả ôm cún lúc ngủ nữa.

Mẹ thì ái ngại bảo:

-Nó bẩn lắm, có khi có cả rận nữa. Cứ ôm nó rồi rận nó nhảy sang nó cắn cho đấy!

Nhưng bọn chúng mặc kệ, chẳng coi lời mẹ nói vào đâu. Quan trọng là không thấy bố cấm. Trái lại, bố cũng hay vuốt ve, chiều chuộng cún lắm. Thỉnh thoảng bố lại hỏi mấy anh em xem ai dạy được cún bắt tay, ai dạy được cún đứng lên, nằm xuống, vv…

Vài tháng sau cún đã lớn phổng phao thành một chú chó nhỡ, đã có thể làm đủ các trò từ bắt tay đến đứng lên nằm xuống hoặc sẵn sàng chạy đuổi theo gầm gừ dọa cắn người khác khi được ra hiệu. Khi có người lạ vào nhà nó hung hăng lao ra sủa đến khi người nhà quát mắng nó mới lừ lừ đi vào một góc nằm quan sát người lạ kia.

Nhưng chắc do được chiều chuộng quá nên nó bắt đầu giở chứng.

Mỗi khi nhà Hưng ăn cơm thì thường giải chiếu xuống đất và ngồi quây quần bên mâm cơm. Những lúc đó tên cún thường nằm xa xa chờ mọi người ăn xong mới đến lượt.

Hôm đó, cả nhà ăn cơm muộn nên ai cũng đói. Tên cún kia đang tuổi ăn tuổi lớn và được chiều chuộng nên có vẻ không chịu được cái đói. Nó không chịu nắm yên mà cứ một chốc lại bò vào gần mâm cơm hơn một chút. Sau vài phút nó đã nằm gần sát mâm cơm mà không ai hay biết. Bất thình lình, nó thò mõm ngoạm một miếng trong đĩa thịt gà lôi ra bên cạnh nhai ngấu nghiến. Bố đứng lên lấy cái roi vụt thẳng xuống lưng nó một cái.

-Đét!

– Chừa này….chừa này…!

-Ẳng ẳng….

Nó nhả vội miếng gà còn lại ra và chạy thẳng một mạch vào trong gầm giường rên ư ử, mắt lấm lét nhìn ra. Mấy anh em Hưng mặt mũi tái xanh chẳng nói lên lời. Bố bảo từ nay cấm đứa nào chiều chuộng nó quá, nó sẽ sinh hư.

Một sáng chủ nhật, mẹ đi chợ về, mấy anh em ùa ra vây quanh hóng qùa bánh. Khi mẹ mở cái buồm ra khỏi thúng thì mấy anh em hết sức ngạc nhiên. Lại là một chú cún con xinh xắn đang run rẩy bên trong.

Bố bảo:

-Từ giờ có hai con nên phải đặt tên cho chúng để phân biệt.

Anh thì bảo gọi là Nick, anh thì bảo gọi là John… Hưng vội nói:

-Em gọi con kia à Chó To, con này là Chó Cái.

Các anh phì cười bảo:

-Mày đặt tên vậy thì gọi làm sao được. Phải đặt là Nick, Jonh mới dễ gọi.

-Ứ, em cứ gọi là Chó To, Chó Cái cơ.

Hưng sụt sùi chuẩn bị khóc to, hai chân dậm lạch bạch xuống nền sân chạt.

-Thôi được, gọi là Chó To, Chó Cái cũng được. Bố bế Hưng lên và dỗ dành.

– Cả hai con này là của con.

Hưng nín khóc và nói.

-Được rồi, được rồi. Của con tất!

Từ đấy mọi người đều gọi chúng là Chó To và Chó Cái. Chỉ có điều khi gọi không thấy thuận miệng cho lắm. Lúc thì Cái, Cái, Cái…lúc thì To, To, To …Sau khoảng chục hôm thì hai con chó cũng chấp nhận cái tên đó và mặc nhiên nghe theo khi được gọi đúng tên.

Rồi hai con chó cũng trưởng thành. Con To nay đã trở thành một anh chàng rất oai vệ. Bốn chân dài, to đậm. Cái bụng thon thon, cái ức nở phình. Bắp đùi săn chắc, hai tai to, vểnh thẳng lên như tai chó Becgie. Hai mắt nó trông tinh ranh, phía trên là hai đốm vàng trông như bốn mắt. Toàn thân nó phủ một lớp lông đen bóng, mượt mà. Có lẽ nó còn nặng hơn cả Hưng rồi. Con Cái cũng đã trở thành một cô nàng đỏm dáng. Toàn thân vàng óng, mượt mà. Mỗi khi tranh ăn, chỉ cần To gầm gừ một tiếng thì Cái lập tức dạt ra chờ đợi chẳng dám lại gần.

*******

Sáng nay, Hưng vớ được chiếc quần kiểu công nhân  của mẹ. Hưng thích lắm, chiếc quần có 2 túi chéo phía trước và hai túi to phía sau. Hàng cúc không đơm phía trước như quần của nó mà đơm ở tận bên hông. Khi xỏ chiếc quần vào, nó vừa dài, vừa rộng thùng thình. Cũng chẳng sao, nó xắn chiếc quần lên cho vừa với chiều cao của mình rồi cài 1 chiếc cúc trên cùng. Bỏ tay ra một cái, chiếc quân rơi tụt xuống đất. Nó lấy sợi dây chuối xỏ qua mấy hàng con đỉa rồi buộc vào bụng. Thế là ngon, nó đi đi lại lại lấy làm thích thú. Phải cái bên hông chưa cài hết cúc nên tạo thành một lỗ mở to đùng trông thấy cái đùi trắng hếu. Một lúc sau Hưng nghe thấy tiếng mọi người huyên náo. Chả là hôm nay nhà nó đảo ngói lại mái nhà. Mẹ đã mua sẵn một đống ngói xếp trong góc vườn để thay cho một số viên bị vỡ, dột.

Xúng sính đi ra, Hưng thấy các bác thợ đã xắp thành một hàng chuyền tay nhau nhưng viên ngói ở góc vườn lên mái nhà.  Hưng đứng cạnh đống ngói xem các bác thoăn thoát làm việc. To và Cái cũng đang sục sạo quanh đống ngói. Chúng cứ ngửi ngửi, hít hít rồi lấy chân cào cào như phát hiện thấy điều gì đó bất thường.

Đang thơ thẩn đứng nhìn, bỗng soạt một tiếng, một con chuột nhảy phóc từ trong đống ngói chạy trốn sự truy đuổi của To và Cái. Chẳng hiểu sao nó lại chui tọt vào cái lỗ bên hông quần Hưng và lùng nhùng trong ống quần. Cảm giác bị chân chuột bám vào đùi non thật là kinh khủng. Hưng hét lên một tiếng thất thanh và nhảy thếch lên. Có lẽ con chuột còn sợ hơn. Nó cuống quýt nhảy, rúc nhằm tìm đường thoát thân. Rồi nó cũng chui ra từ cái lỗ ban nãy và nhảy tót xuống đất. Cái xông đến đớp một nhát ngang bụng con chuột. Con chuột cong mình, bốn chân cào mạnh đồng thời miệng cắn trả vào mép Cái. Cái đau quá ẳng lên một tiếng rồi vùng mạnh cái đầu. Con chuột bắn ra một đoạn xa. Nó vùng dậy toan chạy trốn thì To ở đâu lao tới. Gừ lên một tiếng, To ngoạm một nhát sau gáy con chuột đáng thương rồi vung vẩy cái đầu quật mạnh con chuột xuống đất.  Chỉ nghe tiến kêu chít chít, bốn chân con chuột giật giật mấy cái rồi duỗi thẳng không còn cựa quậy nữa. Hưng òa khóc nức nở, đũng quần ướt sũng. Mẹ vội chay ra ôm nó vào lòng dỗ dành hồi lâu cho đến khi nó nín khóc. Bố và các anh thì rúc rích đứng cười.

Hôm đó, To và Cái cùng nhau vây bắt và tiêu diệt được tổng cộng 12 con chuột trong đống ngói. Con to nhất cũng bằng cổ tay. Hưng thì thêm yêu hai con chó ra mặt. Chúng như anh hùng, như ân nhân đã giúp nó đánh đuổi, tiêu diệt kẻ thù.

Sau lần đó hễ Hưng ra ngoài chơi hoặc đi theo các anh câu cá, câu ếch, Hưng đều gọi rủ To và Cái đi cùng. To thì thích lắm nhưng Cái chỉ đi một đoạn rồi bỏ quay về nhà. Ra khỏi nhà, To hớn hở chạy khắp các bờ mương, bờ ruộng lúa. Nó ngửi, hít, sục sạo rồi đuổi theo các loại cóc, ngóe,  cào cào, châu chấu, vv… Lúc thì nhảy lên đùa bắt chuồn chuồn, khi đuổi theo bươm bớm, mãi không chịu về. Mỗi khi thấy nó đi xa qua Hưng lại huýt sáo gọi To, To.. Tức thì To lại hùng hục lao đến gần chủ rồi lại vùn vụt chạy đi chơi. Có khi đứng bên này bờ ngòi huýt sáo gọi, To nhảy ùm xuống ngòi rồi bơi qua sang bên kia. Mò lên khỏi dòng nước, nó oai hùng vung mình rũ nước khỏi bộ lông nghe rào rào, nước bắn tung tóe. Rồi nó thản nhiên đứng vắt lưỡi sang một bên thở khè khè nom thật kiêu hãnh.

Một đêm nọ, bố đi trực cơ quan. Mấy mẹ con đang ngủ ngon giấc thì chợt bên ngoài có tiếng To và Cái sủa liên hồi. Tiếng đuổi bắt soàn soạt ở ngoài vườn. Mấy mẹ con sợ không dám ra xem chuyện gì. Chừng nửa tiếng sau, tiếng sủa im bặt, màn đêm lại trở nên yên tĩnh. Mẹ bắt mấy anh em nằm xuống đi ngủ.

Mọi người đã ngủ cả, Hưng vẫn còn thao thức và cảm thấy lo lắng.

-Liệu có chuyện gì xảy ra với To và Cái không?

Đang ngủ mơ màng, Hưng nghe tiếng anh Huyên gọi giật giọng.

-Dậy, dậy.. Hưng ơi dậy xem To và Cái đánh được mấy con chuột cống to đùng này.

Hưng choàng dậy, mắt nhắm mắt mở.

-Đâu, đâu…?

Anh dẫn Hưng ra ngoài vườn. Cây cỏ cả một vùng dạt cả xuống như vừa trải qua một trận bão lớn. Mẹ và anh Hoài đang đứng chỉ trỏ:

-Ôi, to thế..!! Hai con này giỏi quá!

Đập vào mắt Hưng là cảnh tượng kinh hoàng. Một con chuột to nhất mà nó từng nhìn thấy nằm chết lòi cả đống ruột bầy nhầy.

-Khéo nó phải nặng gần hai cân. Mẹ bảo.

Cách đấy vài mét, một con khác nhỏ hơn một chút  đầu bị cắn nát bét.

Hưng đang run rẩy đứng nhìn thì thấy tay ấm ấm. Hóa ra To đến bên cạnh từ lúc nào. Nó vẫy đuôi mững rỡ và liếm liếm vào tay Hưng. Cái cũng chạy đến cọ vào chân Hưng để tranh phần. Hưng ôm hai con chó và nhìn kỹ. Cái bị ba vết rách ở mõm và một vết ở gần mắt vẫn còn đang rớm máu. To thì nhẹ hơn, chỉ bị mấy vết thương ở chân trước. Cả hai con mình mẩy bê bết đất cát, trông có vẻ mệt mỏi.

Hưng vuốt ve cả hai con và bảo mẹ.

-Mẹ ơi, mẹ cho chúng nó ăn đi. Chắc chúng đói lắm rồi đấy!

-Được rồi, để mẹ chôn mấy con chuột này đã.

Sau khi được mẹ cho ăn no, To và Cái quay về ổ và đánh một giấc đến tận trưa

******

Rồi Hưng cũng vào lớp một trường làng. Anh Hoài học lớp 3 còn anh Huyên thì đang lớp 6. Đường từ nhà đến trường chắc cũng khoảng 3km. Ban đầu Hưng đi về cùng các anh. Quen dần, Hưng đi về với đám bạn cùng lứa mà không nhất thiết phải đi cùng các anh nữa.

To và Cái vẫn là hững người bạn thân thiết của Hưng. Mỗi khi Hưng đi học về, To và Cái xoắn xuýt chạy ra đón. Chúng bắc chân lên tận cổ Hưng, liếm vào mặt, vào tay chân, rên lên ử ử ra chiều sung sướng lắm. Nhiều khi chúng làm bẩn hết cả chiếc áo màu trắng của Hưng. Mẹ lại càm ràm:

-Bẩn hết rồi, thế này phải vò xà phòng mới sạch!

Một buổi chiều khi bố mẹ đi làm và các anh đi học, Hưng được nghỉ ở nhà. Đang chơi với To và Cái thì Hưng thấy sững người. Cái vừa chạy quanh vừa chảy máu rong ra khắp mọi chỗ. Hưng sợ lắm, lúc thì leo lên giường, lúc thì leo lên cây ổi không dám chơi với chúng nữa.

Chiều tối, khi mẹ về Hưng bảo mẹ:

-Mẹ ơi, Cái bị làm sao ấy. Nó chảy máu rong khắp nhà!

-À, không sao đâu. Nó đang có tội đấy.

Hưng cũng chẳng hiểu “có tội” là thế nào nhưng cũng thấy yên tâm hơn. Sau vài hôm thì không thấy Cái chảy máu nữa. Rồi bụng Cái cứ lớn dần, lớn dần. Mẹ bảo:

-Nó sắp đẻ rồi con ạ!

Mẹ ưu tiên cho Cái ăn nhiều hơn, ngon hơn so với To. Hưng và anh Hoài mừng rỡ đếm từng ngày xem khi nào Cái đẻ con. Anh Huyên thì lớn rồi nên không húm hau như hai đứa.

Một buổi tối, cứ thấy Cái bồn chồn chạy chỗ nọ chỗ kia. Rồi nó vào cái gầm giường dưới bếp lấy chân cào cào nền nhà lên. Hưng lo lắng không biết nó bị sao thì mẹ bảo:

-Nó đang sắp đẻ đấy. Đừng đứa nào vào ngó kẻo nó phải vía!

Sáng hôm sau, mẹ thông báo Cái đã đẻ 5 con và vẫn cấm không cho ai vào xem. Mẹ buộc một chùm cánh, lá nhãn trước cửa bếp để tránh đàn chó con bị phải vía. Cái suốt ngày nằm trong gầm giường. Chỉ khi nào mẹ lấy thức ăn gọi ra thì nó mới ra ăn. Ăn xong nó lại chui vào trong gầm giường. Cái trở nên dữ tợn hơn. Mỗi khi hơi nghe thấy có tiếng người lạ là nó nắm trong gầm giường gầm gừ. Có ai vào nhà là nó chực xồ ra cắn. Mẹ phải quát, đe mãi nó mới trở vào.

Hưng tò mò muốn xem đàn chó con thế nào nhưng sợ chúng bị phải vía nên chẳng dám vào ngó. Bố thì bảo làm gì có chuyện phải vía. Mẹ gạt đi:

-Thế như chó nhà chú Hiến bị phải vía nên chó mẹ cắn chết cả đàn con kia kìa!

Rồi mẹ nhất định không cho ai vào. Mẹ bảo khi nào chó con mở mắt thì mới không bị phải vía nữa.

Một hôm, nghe thấy tiếng chó con kêu ăng ẳng, Hưng liền mạnh dạn bước vào. Thì ra có hai chú bò quanh mò ra khỏi gầm giường tìm không thấy mẹ nên kêu khóc. Hưng trông thấy hai con mập mạp, một còn màu vàng, con kia màu đen tuyền y như To.  Hưng vội bế hai con chó con và kêu lên.

-Mẹ ơi, chúng nó mở mắt rồi!

Cái vội vã từ trong gầm giường chui ra mừng rỡ, liếm láp tay Hưng và ngửi hít hai chú chó con. Ý chừng nó sợ Hưng bắt con đi mất. Hưng thích thú ôm chú chó con vào lòng. Mùi chó con, mùi sữa chó mẹ hoi nồng. Cái mùi mà người lớn thấy hôi thì Hưng lại thấy thích. Cái mùi ấy làm nó nhớ mãi không bao giờ quên.

Đến buổi trưa nắng ấm, mẹ cho hai anh em bê cả đàn chó con ra sân. Năm con cả thảy. Con thì màu vàng như Cái, con thì đen tuyền như To, con thì khoang cả vàng, đen… Hưng chọn con đực màu vàng bụ nhất và nhận:

-Con này của em!

Anh Hoài nhận con to thứ nhì. Ba con còn lại anh Hoài chia: đây là con của anh Huyên, đầy là con của mẹ, con kia của Bố.

Rồi suốt ngày hai anh em bế, chơi đùa với chó con. Mẹ thường nẹt:

-Vọt nó vừa vừa thôi không có nó giập hết lông sữa không lớn được đâu.

Đàn chó con lớn dần. Cái thì ngày càng gầy tong teo. Mỗi khi trông thấy Cái, đàn con xồ vào bú, mút choèn choẹt. Nhiều lúc Cái gầm gừ, dọa dẫm mà chúng chẳng sợ cứ sấn vào. Không làm sao được, Cái vùng lên bỏ chạy ra khỏi cổng. Đàn con đu theo bú. Có con bị lôi theo cả đoạn dài mới ngã lăn ra đất kêu inh ỏi.

Đến khi đàn cho con ăn được cơm thì chúng mới giảm bú mẹ phần nào.

Một hôm mẹ bảo:

-Mấy con chó con đã lớn rồi chắc phải bán đi hoặc cho người khác nuôi thôi.

-Không, con Vàng là của con. Mẹ bán những con kia thì được.

-Nhà mình nuôi hai con To và Cái là đủ rồi con ạ. Cứ để mấy con con thì nó bú chết Cái mất. Con xem Cái gầy xác xơ chỉ còn da bọc xương kia kìa.

Hưng thấy xuôi xuôi nhưng xem chừng vẫn còn tiếc con Vàng lắm.

Rồi một hôm ngủ dậy Hưng không thấy đàn chó con đâu. Anh Hoài bảo:

-Hôm nay mẹ mang chúng ra chợ bán rồi!

Hưng khóc thút thít. Nó nhớ con Vàng lắm. Sao mẹ lại bán con Vàng của nó cơ chứ. Hưng đến cạnh cái ổ rơm. Cái nằm buồn rầu trong ổ. Bầu sữa nó căng cứng, nó ủ rũ. Nếu có đàn con bú thì nó không bị đau đến vậy. Hưng vuốt ve đầu Cái. Mắt Cái lim dim, ướt nhoèn nước….

Rồi Cái vẫn đều đặn đẻ con và chuyện ấy lại lặp lại….

*******

Mọi chuyện rồi cũng qua đi. Cái bớt gầy và bộ lông bắt đầu mượt mà trở lại nhưng xem chừng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Hôm nay, khi Hưng mở cổng thì To và Cái tung tăng chạy ra ngoài. To chạy một mạch đến cạnh bờ rào và ghếch chân lên làm một bãi. Cái thì đang hít ngửi với điệu bộ lo lắng. Bỗng nhiên một tiềng gầm gừ vang lên và một bóng xám lao vụt vào đè Cái ngã lăn xuống đất. Đó là Xám, con chó của nhà bà Lục ở phía đối diện. Nó nổi tiếng là con hung dữ trong xóm. Có lần nó cắn cả vào bắp chân bà nội. Nó sống lâu đến nỗi răng rụng gần hết chỉ còn mỗi bộ lợi trơ ra. Tuy đã già nhưng trong nó vẫn khá lực lưỡng vá ánh lên vẻ độc ác. Trước đây khi To mới xoai xoai nó cũng đã khiến To tơi tả vài lần. Cái không chống cự được chỉ biết quẫy đạp và kêu ăng ẳng cầu cứu. Tiếng gầm gừ vang lên át cả tiềng gừ của Xám và tiếng kêu ăng ẳng của Cái. Một bóng đen lao đến như một tia chớp đẩy Xám ngã huỵch ra đất. Hưng chưa kịp định thần thì To đã ngoạm chặt cổ Xám đè xuống đất rồi. Xám cũng không phải dạng vừa. Nó cong mình cắn chặt vào mõm To đồng thời bốn chân đạp mạnh vào cổ To hòng thoát thân. Nhưng To bây giờ đâu phải là To của Ngày xưa nữa. Nó siết chặt hàm răng vào cổ Xám, bốn chân dang ra ghì chặt. Xám hết đường chống cự chỉ còn biết giẫy dụa, kêu ăng ẳng. Lúc này Cái cũng vùng lên. Nó nhằm bụng Xám đang nằm tơ hơ đớp liên tiếp, đầu lúc lắc giằng xé. Xám chỉ còn biết cong mình chịu trận. Lúc này tiếng chó gầm gừ, tiếng ăng ẳng, tiếng Hưng và anh Hoài hò hét cổ vũ làm huyên náo cả một góc xóm.  Mẹ vội vàng cầm cái chổi rễ dài chạy ra. Bà Lục ở đâu cũng cầm cái đòn gánh chạy đến. Mọi người đều bảo:

-Mau can mấy con chó ra.

Bà Lục giơ cái đòn gánh lên toan vụt vào lưng To. Cái và To thấy nguy cấp liền nhả vội Xám ra và bỏ chạy. Xám được giải thoạt liền vội vàng chồm dậy. Nó đi tập tễnh người rướm máu. Bà Lục xót quá liền chửi đổng:

-Mẹ chúng mày, tao thì chỉ cho chúng mày mấy củ riềng.

To cũng bị vài vết thương ở mũi. Cái ân cần liếm láp vết thương của To ra vẻ thương xót lắm.

****

Rồi biền cố lớn xảy ra với gia đình Hưng. Năm Hưng đang học lớp ba thì bố đột ngột ra đi. Để lại một mình mẹ vất và nuôi ba anh em Hưng ăn học. Mọi chuyện có lẽ sẽ không quá khó khăn nếu mẹ cương quyết không nghe theo lời của bác Nhung làm cùng.

Chả là lúc bấy giờ rộ lên phong trào chơi hội. Hết hội lúa, hội tiền, hội vàng, hội giường tủ.. thôi thì đủ cả. Ban đầu mẹ và anh Huyên bàn bạc và nhất quyết không tham gia. Nhưng rồi không biết bác Nhung tỉ tê thế nào mà mẹ cũng xuôi theo. Vì mẹ là người có uy tín trong xóm, trong huyện nên khi mẹ đứng ra làm chủ hội thì vận động được rất nhiều người tham gia. Hình thức là khi mở một hội thì gồm có chủ hội và những hội viên tham gia. Chủ hội được ưu tiên là số một. Các hội viên bố thăm để nhận số thứ tự lần lượt đến cuối cùng. Tất cả mọi người cùng góp, chủ hội là người được lĩnh đầu tiên, mọi người tiếp tục góp cho người có số thứ tự tiếp theo. Người nào càng đổ hội sau thì được con số càng lớn. ( Lớn hơn nhiều lần so với lãi xuất ngân hàng). Những người đổ hội không biết làm gì nên thường đem gửi lấy lãi cho một số đầu nậu làm lãi suất để lấy lãi và lấy tiền trả cho những người lĩnh sau.

Khi con số làm lãi suất quá lớn, một số đối tượng làm lãi suất ôm cả đống bỏ trốn để lại biết bao người bơ vơ mang nợ.

Nhà Hưng mẹ góa con côi, chẳng có anh em ruột( bố là con một) để nương tựa, nhà ngoại thì ở xa cũng không có thế lực gì lớn nên khi vỡ hội mẹ không thể đòi nợ người khác. Ngược lại trong nhà có bất cứ thứ gì đều phải mang ra trả nợ. Thôi thì tủ, giường, bàn ghế thậm chí là hòm đựng lúa cũng bị các chủ nợ lấy sạch. Mẹ chỉ còn giữ được đúng một cái xe cà tàng để đi làm mà nay có người đòi, mai có người dọa lấy mất. Thậm chí có người chú họ xa một hôm say rượu đến đòi nợ đã mang cả khăn trắng, dao bầu đến cắm vào mặt bàn nhà Hưng mà dọa dẫm bốn mẹ con. Dù còn bé tí nhưng Hưng luôn thấy lo âu, sợ hãi trong suốt thời gian này.

Sau một thời gian, biết nhà Hưng chả còn gì nữa thì các chủ nợ dường như cũng chấp nhận và tạm không đòi nữa. Chỉ còn vài bà mồm ngoa mép giải thì thỉnh thoảng đến chửi om nhà lên rồi ra về.

Lúc đó gia đình Hưng đã bước vào giai đoạn cùng kiệt. Mẹ đi làm nhà nước, có xoay đủ kiểu cũng không đủ lo cho cả gia đình. Nợ lại chồng thêm nợ. Cái ăn cái mặc đều thiếu thốn. Ban đầu là ăn cơm độn ngô, độn khoai, độn sắn. Rồi đến ngô ngoai cũng không có mà ăn ( Do bố mẹ thoạt ly làm nhà nước nên Nhà Hưng không được chia ruộng để làm).

Một hôm anh Huyên bảo mẹ:

-Mẹ ơi, giờ chẳng còn gì mà ăn nữa. Mà mai mới là ngày 15, phải đến tận cuối tháng mẹ mới lĩnh lương cơ.

Mẹ bảo:

-Ừ, thôi để mẹ tính.

Hôm sau, khi Hưng đang chơi cùng To và Cái trong sân thì mẹ đi đâu về dẫn theo một tay đi xe đạp. Đằng sau gác ba ga của hắn là một cái lồng sắt. Cái và To lao ra nhằm vào hắn  mà sủa váng lên Hưng chưa kịp hiểu ra là chuyện gì thì mẹ bảo:

-Đấy chú bắt con vàng kia đi!

-Bác phải cho nó ăn cái gì thì tôi mới bắt được chứ!

Mẹ vào trong nhà lấy ra một ít rãi khoai luộc gọi Cái và To đến rồi ném xuống sân. Đang đói, Cái và To mừng húm chẳng còn để ý gì đến tay mua chó chết tiệt kia nữa mà lao vào ăn ngấu nghiến.

Lão mua chó lẻn đến cạnh Cái từ lúc nào. Chưa kịp nuốt mớ dãi khoai, Cái bị lão chụp lấy đằng sau gáy giơ lên. Cái vũng vẫy, kêu ăng ẳng nhưng không sao thoát được bàn tay lão. To nhả vội miếng dãi khoai toan lao vào cứu Cái nhưng lão mua chó quả thực là tay lão luyện. Miệng lão quát, chân lão đá. Tay lão bẻ quặt hai chân trước Cái ra sau lưng. To nhảy sổ vào nhưng cũng không sao cắn được lão. Thoắt một cái, lão đã tống Cái vào trong lồng và đóng chặt nắp lồng sắt lại. Cái vũng vẫy, miệng sùi bọt, nhe nanh gầm gừ, cắn cả vào lông sắt nhưng đã muộn. Nó không thể làm gì hơn được nữa. Lão mua chó nhanh tróng trả tiền cho mẹ rồi toan quay xe đi ra.

Quá bất ngờ, Hưng giờ mới biết chuyện gì xảy ra. Nó òa khóc nức nở.

-Không bán chó đâu, không bán chó đâu….

Nó đến sát cái lồng sắt nhìn Cái. Cái nằm bẹp run rẩy, giương mắt nhìn Hưng như van lơn. Hai vệt nước mắt Cái chảy dài……

Lão mua chó nhanh chóng dắt xe ra cổng và lên xe đạp vù vù. Tiếng Hưng khóc, tiếng To sủa, bước chân Hưng và to lạch bạch chạy theo xe. Tiếng Hưng nức nở….

-Cái, Cái…hư hư….Không bán đâu……

Chừng nửa tiếng sau, Hưng vẫn còn khóc nấc. Mẹ rơm rớm nước mắt ôm Hưng vào lòng và nói.

-Mai mẹ sẽ đi chợ đong gạo nấu cơm cho các con ăn. Mẹ xin lỗi. Mẹ cũng không còn cách nào khác nữa.

Hôm sau mẹ đi chợ mua được hai chục bơ gạo. Cả nhà lại có đồ ăn để chống chọi thêm một thời gian nữa….

To từ đó suốt ngày buồn rầu, phần vì cũng chẳng có gì ăn nên trông càng ngày càng gầy guộc, chỉ còn mỗi da bọc xương. Cái vẻ kiêu hùng của ngày trước nay chẳng còn nữa. Sau vài tuần, To ốm nặng. Đã mấy ngày nó chả chịu ăn uống gì, chỉ nằm im trong cái ổ rơm. Hưng chỉ còn biết thỉnh thoảng vào vuốt ve nó đầy thương xót.

Chú Yến trong xóm qua chơi thấy vậy bảo mẹ.

-Thế này thì chỉ mai kia là nó chết thôi. Chi bằng chị làm thịt nó đi để các cháu còn được một miếng. Giờ bán chắc cũng chẳng ai mua đâu. Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó. Chết xuống âm phủ biết có hay không?

Thấy mẹ lưỡng lự Hưng òa khóc.

-Không làm thịt nó đâu. Không làm thịt nó đâu…

-Nhưng để rồi nó cũng chết phí đi con ạ. Giờ làm thịt thì còn được một miếng mà ăn. Con xem, nó chẳng nhúc nhích được nữa. Chắc chỉ nay mai là nó chết thôi.

Hưng sụt sùi khóc lóc mãi không thôi.

Rồi chú Yến giao cho người thì đun nước, người đi hái lá mơ, .. chú thì đi mài một con dao nhọn.

Chuẩn bị xong xuôi Chú Yến đến bên cạnh ổ chó. To vẫn nằm im. Chú hai tay chộp lấy gáy To nhấc lên. Nó chỉ gầm gừ yếu ớt, bốn chân khẽ cựa quậy. Chú bẻ quặt hai chân To ra sau dùng dây trói lại, rồi buộc chặt mõm, treo To lên một gốc cây. Lúc chú chuẩn bị hạ thủ, Hưng đến gần, chỉ thấy To dùng chút sức lực cuối cùng của mình giương mắt lên nhìn Hưng lần cuối. Hai giọt nước mắt từ từ lăn ra từ khóe mắt To rơi xuống đất.

Hưng òa khóc vùng chạy ra ngoài cổng đầu không ngoái lại.

*****

Đang chìm trong suy tưởng, Hưng thấy gò má âm ấm. Nước mắt hắn chảy dài lúc nào không hay. Bỗng hắn giật mình nghe tiếng vợ bảo con.

-Quang, mau vào mời bố ra ăn cơm!

Hắn đứng dậy, nhanh tay gạt ngang gò má và đi ra bàn ăn. Khi đi ngang qua tấm thảm chùi chân trước nhà vệ sinh hắn lại thấy thoang thoảng mùi ổ chó. Hắn tặc lưỡi:

-Chắc mai vợ mình sẽ giặt.

                                                                                                                                            Hà nội, 14.04.2020

                                                                                                                                                       Hết.

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]

2 thoughts on “HAI NGƯỜI BẠN”

  1. Không có gì nghệ thuật, chỉ là câu chuyện thật. Mà chỉ chuyện thật mới rung được tần số riêng như thế, mới chạm được vào tiềm thức như thế. Mình cũng khóc.

    Qua nửa đời trầm luân, bạn chắc đã quên những hoa trong gương, những trăng đáy nước, chỉ còn nhớ những câu chuyện thật, như nhớ một bụi chuối góc vườn xưa, rõ từng chiếc lá.

    Mình tin linh hồn là bất tử. Khi thân xác người ta không còn, những cảm xúc thật, giản dị và tinh túy sẽ tụ lại thành linh hồn, sống tiếp cùng vũ trụ.

Leave a Comment

Click to listen highlighted text!