Click to listen highlighted text!

ĐÀ NẴNG DU KÝ

Đà Nẵng là giao điểm của trục Đông Tây nối Việt – Lào – Thái – Miến và trục ven biển nối các tỉnh miền Trung. Đà Nẵng muốn cất cánh thì theo lý hai trục này phải thông. Thực tế thì đến nay cả hai trục này vẫn không thông nhưng Đà Nẵng vẫn cất cánh. Vì vậy đây là sự cất cánh ngược logic thông thường, một kiểu bơi ngược nước để vượt vũ môn.

Chính vì vậy mà kính nể Nguyễn Bá Thanh. Vốn liếng xuất phát hầu như không có gì: đồng bằng phụ trợ quá nhỏ, hai trục không thông nên cảng Tiên Sa chết gí, không tiền vốn, quyền tự chủ chẳng có bao nhiêu, trên đe dưới búa, phải quẫy trong một cơ chế đặc quánh như cháo. Vậy mà trong mươi năm vẫn quất Đà Nẵng lên được thành một cơ ngơi rất đàng hoàng. Cái tài là tay không làm nên dọc ngang đâu ra đấy trong một cơ chế rối. Cái tầm là làm căn cơ gần như xong những việc khó, mà không tham ăn liền những miếng ngon rẻ bổ như bệnh nhiệm kỳ khắp Bắc Trung Nam, mà tập trung khai phá, dọn dẹp và để lại cho người kế nhiệm một mặt bằng sạch sẽ, tươm tất, sẵn sàng.

Những miếng đất đẹp nhất thành phố, ngon như thịt thăn hai đầu cầu Thuận Phước, hai bờ sông Hàn (nhất là bờ bên quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn), trên bờ biển quận Hải Châu, bờ biển Sơn Trà đều đã được dọn sạch nhưng chưa xây dựng, chỉ kẻ vuông vắn như cỗ mời. Một đoạn sông Hàn mấy cây số mà làm gần chục cái cầu là việc chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Không nơi nào làm thế vì không làm cũng chẳng ai bảo sao, mà làm thì chỉ mua khổ vào mình.

Đặc biệt là cầu Thuận Phước, không gì thể hiện chính xác hơn chí vươn qua sông, vươn ra biển bằng cây cầu này. Đến Đà Nẵng, xuống ga, kiếm cái xe máy phát là mình phi ngay lên cầu Thuận Phước. Đứng trên cầu nhìn bờ biển, nhìn sông Hàn, nhìn núi Sơn Trà, cảm giác hiểu ngay được linh hồn của sự phát triển Đà Nẵng. Có câu ca dao trước đọc xong chẳng thấy đọng lại gì thì lúc đó mới thấy thấu “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa”. Tưởng có thể đem câu đó khắc vào bảo tàng Đà Nẵng được.

Cầu Thuận Phước, Đà Nẵng

Khi xem Đà Nẵng, tự nhiên những so sánh với Sài Gòn cứ nhảy trong đầu. Nhà quy hoạch Sài Gòn thăm bán đảo Sơn Trà mà nghĩ đến bán đảo Thanh Đa sình lầy dừa đước, “Manhattan của Sài Gòn”, thì chắc phải chui xuống đất vì ngượng. Nhưng đấy có thể là triết lý phát triển của Sài Gòn, nói đúng hơn là Gài Gòn chẳng có triết lý nào hết, đơn giản là cứ tự nhiên mà phát triển theo kiểu tiến hóa Darwin. Cả thành phố trùm một bầu không khí laisser-faire khổng lồ. Đây đó vài dấu vết cố gắng sắp xếp của nhà quy hoạch như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, như đường Võ Văn Kiệt, còn thì thị trường trên hết và cuộc sống tự liệu tất cả. Ngay sau đại lộ Nguyễn Huệ nguy nga là chợ cóc rác rưởi và nhà lá dột nát. Bước qua quận 1 mấy trăm mét sang quận 4 là đại xóm nhà chồ chen chúc dài tít ven kênh Tẻ. Đâu đâu cũng đầy những đối lập của một xứ còn chưa xong thời khai khẩn. Các cố gắng quản lý bất lực với sức sống mãnh liệt của thành phố nên đôi chỗ bật ra những biểu hiện khôi hài. Đứng bên này sông Sài Gòn nhìn sang đất Thủ Thiêm thấy một dãy 8 chiếc panô to vật, chữ xanh đỏ khuỳnh khoàng “Đảng bộ và nhân dân quận 2 đẩy mạnh phong trào…”. Cười nghĩ chắc chính quyền vớ được chỗ đất đẹp view lại chưa có nhà đầu tư nào vào múc nên mừng quá cắm vội pano biểu ngữ để gỡ gạc cho du khách hiểu rằng đất Sài Gòn ni đâu có vô chính phủ.

Nếu Đà Nẵng là khâm phục thì Sài Gòn là đam mê. Đà Nẵng là nhất thời thì Sài Gòn là vĩnh cửu. Vì ăn hết của để của Nguyễn Bá Thanh mà nếu đường Đông – Tây vẫn không thông, miền Trung vẫn cát cứ thì Đà Nẵng có thể trở lại kiếp nhàng nhàng với hậu phương chỉ là hoẻn đất toàn sỏi đá. Còn Sài Gòn thì cây đời vẫn mãi xanh tươi. Nông nghiệp miền Tây còn, công nghiệp miền Đông còn thì bất chấp mọi hay dở của thể chế và cơ chế, Sài Gòn vẫn thừa thãi năng lượng để vùng vẫy tiến lên, thừa thãi năng lượng để tiếp tục chu trình hủy diệt – tái tạo bất tận, một kiểu phát triển bừa bãi phung phí mà lại đầy sức sống. Đà Nẵng thì đập một nhát rồi xây để dùng 50 năm, Sài Gòn thì cứ nay xây mai đập. Đà Nẵng chỉ đổ ra xây khu mới còn khu cũ quận Hải Châu có phong thái yên bình kiểu Pháp, Sài Gòn thì giữa trung tâm quận 1 chỗ nào cũng đầy vết chân dân đầu tư lùng sục, đập phá, rồi mỗi ngày lại thêm một building ngất ngưởng các kiểu hình thù.

Quận 1, Sài Gòn

(qua Đà Nẵng, 2013).

Click to rate this post!
[Total: 4 Average: 5]

Leave a Comment

Click to listen highlighted text!